Thất nghiệp nhiều không phải do đào tạo thừa thầy
PV: Lâu nay, dư luận khá bối rối về các con số thất nghiệp của lực lượng lao động (LLLĐ) nước ta đã được công bố. Có một thực trạng: số LĐ ở nước ta đã có bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ – thậm chí thạc sĩ bị thất nghiệp nhiều. Ông có thể lý giải được không?
PGS.TS Bùi Anh Thủy: Theo số liệu công bố gần đây nhất cho thấy, số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đã giảm đi nhiều so với các con số công bố những lần trước đó. Tuy nhiên, ta cũng nên đánh giá kỹ lưỡng về tình trạng cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp hiện nay.
Ta vẫn gặp những người thiếu tính kỷ luật, tính tổ chức, tự do tùy tiện, đi đến đâu, làm ở đâu cũng gây chuyện, làm mất hòa khí, ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc của tổ chức. Cả hai nhóm trên đều khó có việc làm nếu không thay đổi tình trạng của bản thân, thay đổi cách nghĩ, cách hành xử.
Thứ hai, có những người sau khi học xong, nhận bằng cử nhân, nhưng chưa có nhu cầu bức bách về việc làm hoặc chưa tìm được việc làm đúng ý. Học xong đại học rồi họ lại học tiếp cao học để nhận bằng thạc sĩ. Họ trông coi một phần việc nào đó của gia đình, thân nhân, hoặc làm công việc bán thời gian nào đó, với điều kiện sống, thu nhập khá tốt. Khi làm những công việc này, họ không tham gia bảo hiểm xã hội, và vẫn nghĩ rằng, đó là làm tạm.
Những người này rõ ràng không “thất nghiệp”. Hoặc nói cách khác, sự chưa tham gia bảo hiểm xã hội của những người này không hề gây mất an toàn cho nền an sinh xã hội. Ở các đô thị lớn phía Nam, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện tượng này rất phổ biến.
Sau hết, về một số lượng khá lớn những người đã học xong CĐ, ĐH, và có cả cao học, có chuyên môn, có sức khỏe, có phẩm chất tốt, có nhu cầu làm việc nhưng chưa tìm được việc làm. Đây là câu chuyện nhà nước phải lo.
Sự thất nghiệp của nhóm này, một mặt là chỉ dấu của sự yếu kém của nền kinh tế, mặt khác nó đe dọa sự ổn định cuộc sống của họ và gia đình họ, tác động không tốt đến an sinh xã hội.
Vấn đề ở đây không phải do các trường đại học, học viện đào tạo không tốt, cũng không phải do đào tạo nhiều nên ta đang “thừa thầy” như một số người từng nhận định chủ quan. Bởi trên thực tế, tỉ lệ người có trình độ đại học trên đầu dân số của nước ta vẫn vào loại thấp trong khu vực ASEAN.
Trên thực tế, nền sản xuất xã hội của chúng ta từ khoảng 10 năm nay đang gặp nhiều khó khăn, với hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, ngưng hoạt động, thu hẹp quy mô, phá sản. Các cơ quan nhà nước thì đang cần tinh giản, do có một lực lượng công chức dư thừa.
Nếu không có chỗ làm thì làm sao người có nhu cầu tìm việc có thể được thu nhận, cho dù họ có thể rất giỏi, bằng cấp cao. Đây chính là lý do mà trong thời gian gần đây, nhà nước đang rất nỗ lực khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong cả nước, đang kiên quyết rà soát, yêu cầu bãi bỏ các quy định có tính rào cản mà nhiều Bộ, Ngành, địa phương đặt ra, vì lợi ích cục bộ, hạn chế, gây khó cho doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
Khi những vấn đề đó được khơi thông, sản xuất phát triển, nền kinh tế tăng trưởng trở lại với mức kỳ vọng, sẽ có hàng trăm ngàn việc làm được mở ra. Khi đó tất sẽ có hàng trăm ngàn lao động cả cử nhân, thạc sĩ có cơ hội có việc làm.
Không nên xem cử nhân, kỹ sư đi học làm thợ là bất bình thường
PV: Tình trạng một số cử nhân, kỹ sư đi học làm thợ nói lên điều gì? Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bức xúc về tình trạng lực lượng lao động ở nước ta thường xuyên “nhảy việc” gây bất ổn lớn đến thị trường LĐ. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề nói trên ?
PGS.TS Bùi Anh Thủy: Việc một số cử nhân, kỹ sư giấu bằng để học làm thợ, như các phương tiện truyền thông nêu vừa qua, nếu có, tôi cũng cho là chuyện bình thường. Lý do là nó có thể diễn ra theo hai hướng, phản ánh hai hiện tượng khác nhau dưới đây.
Thứ nhất: Bỏ ngành mình đã học chuyển hẳn sang một ngành mới để dễ tìm việc làm hơn. Hướng này cho thấy có thể việc chọn ngành, chọn nghề của người học trước đó không bám sát nhu cầu của cuộc sống, thiếu thực tế. Hoặc cũng có thể, tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi nhiều so với trước đó, sau khi những người này học xong. Sự lựa chọn trước đó của họ đã không còn phù hợp.
Thứ hai: Giấu bằng đại học để học làm thợ ở chính ngành mình đã được đào tạo. Đây có thể là do người đã có bằng đại học đó thiếu chuyên môn, kỹ năng và phẩm chất không tương xứng với bằng, không có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo như mục tiêu đào tạo đại học đã được ghi trong Luật Giáo dục, nên những người này không được tuyển dụng. Họ tự nhận ra điều đó nên trước mắt, để mưu sinh, họ chọn con đường học nghề để có việc ngay.
Còn nếu người cầm bằng đại học có đầy đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất cần thiết mà không có nơi nào tuyển dụng thì điều này như đã nói ở trên, do trình độ phát triển của xã hội nói chung, của sản xuất nói riêng ở nước ta còn thấp, nên nhu cầu về nguồn nhân lực vẫn còn thấp.
Đổi mới đào tạo phải song hành với xác lập rộng rãi, vững chắc môi trường công nghiệp hiện đại
PV: Yếu kém lớn nhất của lực lượng lao động nước ta lâu nay là kỹ năng làm việc nhóm và khả năng sử dụng ngoại ngữ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?
PGS.TS Bùi Anh Thủy: Nếu đã xác định các trường ĐH, CĐ, TC có trách nhiệm thì các trường này phải đổi mới quá trình giáo dục và đào tạo; song, tôi cho rằng còn những yếu tố khác dẫn đến sự yếu kém trên mà khó có thể khắc phục được chỉ trong 3, 4 năm ngồi trên ghế nhà trường. Đó là môi trường xã hội.
Trước hết là nói về làm việc nhóm nói riêng, làm việc tập thể nói chung. Đây là yêu cầu sống còn đối với nền sản xuất công nghiệp. Còn đối với nền sản xuất tiểu nông thì đây lại không phải là yêu cầu bức bách. Khi tính tiểu nông đã trở thành thói quen của con người qua bao đời thì sự thay đổi nó không thể diễn ra nhanh chóng một sớm một chiều và cũng khó duy trì khi môi trường công nghiệp hiện đại chưa được xác lập rộng rãi và vững chắc.
Về khả năng sử dụng ngoại ngữ cũng cần phải có môi trường để phát triển. Hiện cách dạy ngoại ngữ của chúng ta khác với một số nước. Ta dạy có phần nặng về ngữ pháp, còn một số nước nghiêng về phát triển khẩu ngữ và sử dụng tài liệu.
Nếu ta đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn ngoại ngữ trong giáo dục, đào tạo; nếu không chỉ riêng môn ngoại ngữ mà các môn học yêu cầu người học phải tham khảo tài liệu nước ngoài, sử dụng tài liệu nước ngoài nhiều hơn; tổ chức giao lưu với học sinh, sinh viên nước ngoài nhiều hơn và môi trường thực tập, thực tế của người học được tiếp cận với tài liệu nước ngoài, người nước ngoài nhiều hơn thì yếu kém trên sẽ dần dần được khắc phục.
Người thực hiện: ĐINH LÊ YÊN