NDĐT - Đó là chủ đề của Hội thảo quốc tế do Trường đại học Lao động-Xã hội (cơ sở II) phối hợp một số đơn vị liên quan trong và ngoài nước tổ chức vào sáng 16-8, tại TP Hồ Chí Minh. |
Hội thảo quy tụ nhiều công trình nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm của các nhà quản lý, chuyên gia, học giả, giảng viên và những người thực thi nghề Công tác xã hội (CTXH) đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ: Đức, Nga, Mỹ, Australia, Đài Loan, Lào, Việt Nam… Khoảng hai thập niên trở lại đây, xu hướng toàn cầu hóa đã đưa các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới xích lại gần nhau hơn. Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, nhiều yếu tố như bạo lực, khủng bố, nạn bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em, rồi biến đổi khí hậu… khiến cho cuộc sống con người, nhất là những người thuộc nhóm yếu thế, dễ bị đe dọa, tổn thương hơn. Việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp để hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội, bảo vệ trẻ em, phát triển các mô hình dịch vụ xã hội, thúc đẩy ứng dụng của chuyên môn nghề CTXH sẽ góp phần tạo ra môi trường sống an toàn hơn cho trẻ em, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho các gia đình. Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Thủy, Giám đốc Trường đại học Lao động-Xã hội (cơ sở II tại TP Hồ Chí Minh), nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia từ rất sớm đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em và đã chuyển hóa các nội dung của Công ước này vào hệ thống pháp luật, các chính sách đối với trẻ em và gia đình. Mục tiêu của hội thảo này nhằm tạo ra diễn đàn thông tin, trao đổi chuyên môn, cung cấp các luận cứ khoa học để tìm ra những giải pháp tốt nhất góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, cách trợ giúp, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em và các gia đình ở Việt Nam cũng như các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới… Tác giả: Dương Hồng Lâm |