App mua vé số online Nền tảng tin cậy

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA “CHUYÊN NGHIỆP HOÁ DỊCH VỤ CÔNG TÁC XÃ HỘI”

10:04, 30/09/2024
149
0

“Chuyên nghiệp hoá dịch vụ công tác xã hội” là chủ đề của Hội thảo khoa học cấp Quốc gia do Cơ sở 2, Trường Đại học Lao động – Xã hội, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức diễn ra vào ngày 28/09/2024.

30092024_01

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà thực hành, giảng viên, nhân viên trong lĩnh vực dịch vụ Công tác xã hội viết bài và tham dự

Hội thảo với chủ đề "Chuyên nghiệp hóa dịch vụ Công tác xã hội" đã được tổ chức thành công, quy tụ sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, và những người đang làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội (CTXH) từ các tổ chức, cơ quan nhà nước và cơ sở đào tạo. Hội thảo đã cung cấp một diễn đàn quan trọng để thảo luận và xác định những chiến lược, giải pháp cần thiết cho việc chuyên nghiệp hóa dịch vụ CTXH, nhằm nâng cao chất lượng hỗ trợ đối tượng yếu thế trong xã hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phạm Ngọc Thành – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động – Xã hội, Giám đốc Cơ sở 2  đã nhấn mạnh ngành CTXH tại Việt Nam đã và đang hoàn thiện cơ chế và đạt được nhiều thành tựu. Đến nay, nhiều trường đại học đã mở chuyên ngành CTXH, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cho các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các trung tâm bảo trợ xã hội, bệnh viện, trường học, và hệ thống chính quyền cũng bắt đầu có sự hiện diện của các nhân viên CTXH. Dù đã có những tiến bộ nhất định, công tác xã hội tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp, sự nhận thức hạn chế của xã hội về vai trò của CTXH, cũng như cơ chế pháp lý còn chưa hoàn thiện là những rào cản lớn cần được giải quyết. Tuy vậy, với sự hỗ trợ của chính phủ, công tác xã hội ở Việt Nam đang dần khẳng định vị trí của mình trong việc hỗ trợ và cải thiện đời sống xã hội, hướng tới một xã hội nhân văn và bình đẳng hơn. Thầy tin tưởng rằng những ý kiến đóng góp và thảo luận sâu sắc tại hội thảo sẽ là nền tảng quan trọng để định hướng cho sự phát triển và chuyên nghiệp hóa ngành công tác xã hội tại Việt Nam trong tương lai.

30092024_02

TS. Phạm Ngọc Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH LĐ-XH, Giám đốc Cơ sở 2 phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Công tác xã hội nhấn mạnh chuyên nghiệp hóa dịch vụ công tác xã hội là vấn đề ngày càng quan trọng trong bối cảnh xã hội đang trải qua những biến đổi sâu sắc về kinh tế, xã hội và văn hóa. Ở Việt Nam, dịch vụ công tác xã hội đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây, góp phần tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ những nhóm đối tượng yếu thế  Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu ngày càng phức tạp và đa dạng của xã hội, việc chuyên nghiệp hóa dịch vụ công tác xã hội là điều cần thiết. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển của công tác xã hội đòi hỏi phải có một lực lượng lao động được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp.  Tuy nhiên, việc chuyên nghiệp hóa dịch vụ công tác xã hội không chỉ dừng lại ở các vấn đề chuyên môn mà còn liên quan mật thiết đến các chính sách xã hội của Nhà nước. Để dịch vụ công tác xã hội phát triển bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, từ việc đảm bảo nguồn lực tài chính, nhân lực, đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ tham gia vào hoạt động công tác xã hội.

30092024_03

TS. Nguyễn Minh Tuấn Trưởng khoa Công tác xã hội trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo

Trình bày trực tiếp tại hội thảo gồm 05 tham luận, với các lĩnh vực khác nhau liên quan đến dịch vụ công tác xã hội. Mở đầu hội thảo, TS. Vũ Thuý Ngọc, Đại học Lao động – Xã hội, đã trình bày tham luận “Dịch vụ công tác xã hội cho người cao tuổi tại các cơ sở trợ giúp xã hội tại Hà Nội”. Tác giả chia sẻ người cao tuổi sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội là một nhóm xã hội yếu thế cần được quan tâm chăm sóc về sức khỏe thể chất và tinh thần. Nghiên cứu chỉ ra rằng đa số người cao tuổi có nhu cầu về các dịch vụ CTXH như chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ y tế, tư vấn tâm lý, phục hồi chức năng. Tuy nhiên, các cơ sở trợ giúp xã hội mới chỉ đáp ứng được các nhu cầu này ở mức trung bình do những hạn chế về kinh phí, cơ sở vật chất, nhiều nhân viên chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn CTXH... Để nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH cho người cao tuổi ở các cơ sở trợ giúp xã hội, cần tăng cường cơ sở vật chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phát triển đội ngũ nhân viên thực hiện dịch vụ tham vấn tâm lý tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

30092024_04

TS. Vũ Thuý Ngọc, Đại học Lao động – Xã hội trình bày tham luận

Bài tham luận thứ hai được trình bày bởi TS. Ngô Thị Thanh Mai từ Học viện Phụ nữ Việt Nam với tham luận “Mô hình nhóm cha mẹ giáo dục sức khỏe sinh sản cho con ở tuổi vị thành niên: Nghiên cứu thực nghiệm tại thành phố Hà Nội)”. Nghiên nhấn mạnh sự tham gia của cha mẹ trong việc giáo dục con cái về sức khoẻ sinh sản (SKSS) tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh những yếu tố về văn hóa, sự xấu hổ và thiếu kiến thức, kỹ năng là những rào cản khiến các cha mẹ hạn chế trao đổi với con cái về lĩnh vực được cho là nhạy cảm này. Trong khi đó, các mô hình hỗ trợ cha mẹ có thêm năng lực và tự tin để giáo dục con về SKSS còn thiếu và chưa mang tính toàn diện. Điều này đặt ra yêu cầu nghiên cứu các mô hình phù hợp để trợ giúp các cha mẹ. Nghiên cứu trình bày mô hình can thiệp được triển khai theo phương pháp thực nghiệm với nhóm gồm 09 cha mẹ đã được triển khai tại thành phố Hà Nội.

30092024_05

TS. Ngô Thị Thanh Mai, Học viện Phụ nữ Việt Nam trình bày tham luận

Tham luận thứ ba trình bày bởi BSCKII. Phạm Quốc Hùng đến từ Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM với chủ đề “Dịch vụ công tác xã hội trọn gói cho nạn nhân bạo lực giới: Mô hình một cửa tại Bệnh viện Hùng Vương”. Nghiên cứu khẳng định bạo lực giới là vấn đề nhức nhối, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Để giải quyết tình trạng các nạn nhân phải đi qua nhiều cơ quan để nhận hỗ trợ, Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai mô hình dịch vụ “một cửa” từ tháng 3/2023, cung cấp dịch vụ trọn gói cho nạn nhân bạo lực giới. Mô hình này cho phép nạn nhân chỉ cần đến một địa điểm để nhận tất cả các loại hỗ trợ cần thiết, từ y tế đến pháp lý và tái hòa nhập xã hội, qua đó giảm bớt thời gian và tăng cường hiệu quả bảo vệ nạn nhân.

30092024_06

BSCKII. Phạm Quốc Hùng, BV Hùng Vương, TP.HCM trình bay tham luận

Tham gia hội thảo, TS. Vũ Thị Lụa, Phó trưởng khoa CTXH Trường Đại học Lao động - Xã hội, Cơ sở 2 đã trình bày bài tham luận với chủ đề “Các cách ứng phó với stress của nhân viên công tác xã hội trợ giúp người khuyết tật trong một số cơ sở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Nghiên cứu xác định thực trạng các cách ứng phó với stress của nhân viên CTXH trợ giúp người khuyết tật trong một số cơ sở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.

30092024_07

TS. Vũ Thị Lụa, Phó trưởng khoa CTXH Trường Đại học Lao động - Xã hội, Cơ sở 2 trình bay tham luận

Đến tham gia và đóng góp với hội thảo, TS. Trần Thị Lụa, Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, TP.HCM, đã trình bày tham luận với chủ đề “Chuyên nghiệp hoá đội ngũ nhân viên công tác xã hội trong trường Trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Nghiên cứu nhằm làm rõ thực trạng đội ngũ nhân viên CTXH trong trường trung học và công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên CTXH có ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ trong trường học. Từ kết quả nghiên cứu, đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên CTXH trong trường trung học cơ sở nói riêng và trong trường học nói chung.

30092024_08

TS. Trần Thị Lụa, Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, TP.HCM trình bay tham luận

Sau khi lắng nghe phần trình bày của các tác giả, các hội thảo viên đã tiến hành thảo luận, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến các vấn đề đặt ra xung quanh các tham luận được trình bày. Trong suốt quá trình diễn ra hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về những yếu tố trọng tâm để thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực CTXH

30092024_09

 

30092024_10

Ban tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn đến Ban Giám đốc Trường Đại học Lao động – Xã hội, Cơ sở 2, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp chặt chẽ để tổ chức Hội thảo vô cùng ý nghĩa này. Đồng thời, Ban tổ chức cũng trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà thực hành, giảng viên, nhân viên trong lĩnh vực Công tác xã hội đã quan tâm gửi bài viết, tham dự và chia sẻ ý kiến. Những ý kiến, đề xuất được đưa ra trong Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp hóa dịch vụ công tác xã hội trong thời gian tới, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và phát triển.

Người viết : ThS. Nguyễn Thị Hoài Anh – Giảng viên K.CTXH
Danh Mục
Thống kê truy cập
  • Đang trực tuyến
    :  
  • Hôm nay
    :  
  • Hôm qua
    :  
  • Lượt truy cập
    :