(LĐXH) - Ngày 15/11/2020, gần 480 nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và đông đảo các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Lao động Xã hội (Cơ sở II Tp HCM) đã tham dự Giao lưu- Tọa đàm: “Giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 02 con ở vùng mức sinh thấp”. Chủ trì cuộc Giao lưu- Tọa đàm nói trên là: đại diện các Cơ quan: Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình; Thành đoàn Tp HCM; Trường Đại học Lao động động Xã hội- Cơ sở II Tp HCM.
Những cán bộ- chuyên gia trung tâm của cuộc Toạ đàm (từ trái qua): TS. Phạm Ngọc Thành - Giám đốc Cơ sở 2 Trường ĐH Lao động và Xã hội; Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Gia đình; GS TS Nguyễn Đình Cử- Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Dân số- Gia đình- Trẻ em; Chị Trịnh Thị Huyền Trân- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Tp HCM
Chuẩn bị hết thời kỳ “Dân số Vàng”
Nhận định tổng quan về quy mô phát triển bức tranh Dân số nước ta hiện nay, đại diện Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Lan- Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh: Việt Nam theo đuổi chính sách dân số, trọng tâm là giảm sinh từ năm 1961. Sau khoảng nửa thế kỷ kiên trì và đẩy mạnh Kế hoạch hóa gia đình ,đến nay nếu tính trung bình trên phạm vi cả nước thì khoảng 15 năm nay, chúng ta đã đạt mục tiêu bình quân «mỗi gia đình 2 con». Tuy nhiên, mức sinh không đồng đều. Có khu vực, có vùng, có tỉnh vẫn sinh trên 2 con, nhưng có khu vực, có vùng, có tỉnh mức sinh giảm rất sâu dưới 2 con. Nhìn chung, mức sinh thấp ở nước ta hiện nay tương tự các nước có mức sinh thấp nhất thế giới.
Cụ thể hơn, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử- Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu Dân số- Gia đình- Trẻ em chứng minh : Năm 2019, có 33 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mức sinh cao (mức sinh > 2,2 con), chiếm 42% quy mô dân số; nhưng cũng có 21 tỉnh, thành phố (1/3 số tỉnh của VN) có mức sinh RẤT THẤP (mức sinh < 2,0 con), chiếm 39% quy mô Dân số.
Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, tính toàn vùng Nam bộ hiện có mức sinh rất thấp, kể cả thị trấn và nông thôn. Năm 2019: 18/19 tỉnh Việt Nam đã rơi xuống mức sinh thấp và 17/19 vùng nông thôn có mức sinh thấp (nông thôn Trà Vinh 2,0 con; Bình Phước 2,34 con…). Đáng chú ý nhất là Tp Hồ Chí Minh mức sinh: 1,39 con/phụ nữ); Đồng Tháp: 1,34 con; Bà Rịa Vũng Tàu: 1,37 con v.v...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Gia đình; GS TS Nguyễn Đình Cử- Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Dân số- Gia đình- Trẻ em tham gia Tọa đàm
Tóm lại, có thể kết luận- tuy chưa phải trên phạm vi cả nước- nhưng rõ ràng đã xuất hiện xu hướng mức sinh giảm sâu, xu hướng này không chỉ ở đô thị mà cả ở nông thôn và nông thôn miền núi. Đất nước ta sắp bước qua thời kỳ “Dân số Vàng”- một trong những đòn bẩy then chốt để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó ta có cơ hội Vàng, sớm đưa Việt Nam vững chắc tiến vào thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cực kỳ sâu rộng.
Báo động sinh đẻ quá ít!
Đã có mấy chục quốc gia rơi vào báo động đỏ, xung quanh câu chuyện sinh đẻ- thậm chí dù trong độ tuổi vàng son để làm Mẹ- nhưng chỉ thích độc thân. Trong số các nước này có cả một số cường quốc của thế giới về kinh tế phát triển (như Cộng hòa Liên bang Đức)…
Đâu là những nguyên nhân chủ yếu, dẫn đến phải báo động đỏ vì mức sinh thấp? Bà Đặng Quỳnh Thư- Vụ trưởng Vụ Phát triển Dân số thuộc Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình khái quát có 3 nguyên nhân cốt lõi: Kinh tế- Xã hội và Chính sách.
Nói về hệ lụy nghiêm trọng do mức sinh thấp gây nên, bà Đặng Quỳnh Thư hết sức trăn trở cho biết: mức sinh thấp góp phần then chốt gây nên tình trạng già hóa Dân số đến độ cảnh báo đỏ! Như dư luận đã giật mình vì Chưa kịp giàu đã già!?
Kế đó là thực trạng gia tăng khủng hiện tượng di cư ngoài kế hoạch- đáng ngại nhất di dân tự do! Vấn đề này kéo theo hàng loạt chuyện hết sức đau đầu như: nơi ăn chốn ở, đời sống việc làm, học hành, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, an ninh trật tự…
Một khảo sát của chúng tôi gần đây cho thấy: Mức thu nhập bình quân tính theo đầu người năm 2019 ở Vùng Kinh tế phát triển nhất nước ta là Đông Nam bộ (trong đó có đầu tàu là Tp HCM) gần 6,3 triệu đồng VN/ người. Ít ai ngờ, gần 93% số người được khảo sát cho biết mức thu nhập này là chỉ mới vượt qua lằn ranh mức sống trung bình. Bởi vì nặng gánh nhất là việc nuôi con ăn học đã chiếm độ ½ tổng thu nhập/ gia đình
Cũng từ khảo sát này cho thấy: hơn 90% số người trong độ tuổi sinh đẻ thuận lợi nhất qua khảo sát nói rằng: Áp lực nặng nề nhất đối với họ là 3 chữ ĂN- HỌC- Ở (cả bố, mẹ và con cái đều đồng ý).
Tuổi Vàng của đời người để sinh con tốt nhất (trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH LĐXH- Cơ sở II Tp HCM)
GS Nguyễn Đình Cử nói rõ thêm : Lực lượng chủ lực trong độ tuổi sinh đẻ (tuổi trẻ) và trong bối cảnh xã hội phân tầng mạnh bây giờ, họ cũng là lực lượng lao động chủ lực của thời kỳ Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa đất nước ta hiện nay. Mừng và lo cũng ở vấn đề rất hệ trọng này. Khảo sát mới đây cho thấy: 47 % số người được hỏi khẳng định là họ có ĐỘNG LỰC thăng tiến RẤT LỚN về Kinh tế, Học vấn và vị trí Công việc. Do đó vấn đề cực nóng là sinh con bị xếp sau, dẫn đến báo động đỏ tình trạng mức sinh thấp là khó tránh khỏi…
Không chỉ động lực bố mẹ thăng tiến, mà bố mẹ phải ưu tiên chăm sóc con cái tốt để chuẩn bị điều kiện cho con thăng tiến. Do đó, họ phải đánh đổi số lượng lấy chất lượng. 50% gia đình trẻ hết sức mong muốn cho con vào đại học. Để bố mẹ, con cái cùng thăng tiến thì không thể nhiều con. Bay cao không thể chở nặng.
GS Nguyễn Đình Cử : … Phụ nữ ta hiện nay- lực lượng trực tiếp mang thai, sinh đẻ và nuôi con, chủ yếu dưới 35 tuổi, tức là sinh sau 1985, thế hệ Internet. Đối với họ, trình độ học vấn cao và làm việc như nam giới, (chiếm hơn 47% lực lượng lao động chủ lực). Do đó, họ khó có đủ thời gian- sức lực- trí tuệ- tiền bạc cần thiết để chăm sóc nhiều con. « Thị trường là Chiến trường »… Tại cuộc Giao lưu- Tọa đàm này, Ban Tổ chức đã làm 2 khảo sát nhỏ ngẫu nhiên khá thú vị. Trong 145 sinh viên tại chỗ của Trường Đại học Lao động Xã hội- Cơ sở II Tp HCM được khảo sát thì 68% cho rằng: muốn kết hôn từ 22- 30 tuổi (độ tuổi vàng để sinh đẻ); cùng tỷ lệ 15% muốn sau 30 tuổi lập gia đình và không muốn… kết hôn!? Chỉ có 3% thích kết hôn trước 22 tuổi. Bên cạnh đó, trong 158 sinh viên được hỏi, rất mừng có tới 77% chỉ mong có 2 con là chuẩn để nuôi dạy con cho tốt. 18% sinh viên chỉ cần sinh 1 con là thỏa ước nguyện. 7% cho rằng 3 con là phù hợp nhất. 13 % còn lại tôn thờ chủ nghĩa… độc thân!? |
Nguồn: Tạp chí Lao động & Xã hội Online