Đến dự buổi lễ có ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; TS. Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH; ông Trần Vinh Quang và ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH; TS. Hà Xuân Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Lao động – Xã hội, PGS.TS Bùi Anh Thủy – Giám đốc Trường Đại học Lao động - Xã hội CSII tại TPHCM; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các đơn vị trong Bộ LĐTBXH, các Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các trường đại học, cao đẳng cùng các thầy cô giáo là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Nhà trường và các thế hệ CBGV, CNV Nhà trường.
PGS.TS Bùi Anh Thủy - Giám đốc CSII báo cáo tại buổi lễ
Tại buổi lễ, PGS.TS. Bùi Anh Thủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nhà trường đã ôn lại chặng đường suốt 40 năm qua. Theo đó, cách đây 40 năm, ngày 27.12.2076, theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động (nay là Bộ LĐTB&XH), Trường Trung học tiền lương II đã chính thức được thành lập. Quá trình xây dựng và phát triển của Trường gắn liền với sự phát triển của đất nước với nhiều lần đổi tên.
Đến ngày 15.6.2006, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã Quyết định sáp nhận Trường thành Cơ sở II, Trường ĐH Lao động - Xã hội. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ LĐTBXH cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể Đảng bộ, Ban lãnh đạo cùng đội ngũ CBGV, CNV, đến hôm nay Trường ĐH Lao động-Xã hội (CSII) đã có những bước phát triển vượt bậc với những đổi mới toàn diện trong công tác xây dựng đội ngũ CBGV, công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà trường đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu cả trong và nước ngoài; hợp tác với các Tổ chức quốc tế, các cơ quan, doanh nghiệp, tạo vị thế vững chắc trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
PGS.TS Bùi Anh Thủy tặng hoa và cám ơn nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Thọ Chân người đã ký quyết định thành lập trường
Qua 40 năm, công tác xây dựng đội ngũ CBGV liên tục được tăng cường cả về chất lượng và số lượng. Hiện tại, Cơ sở II gồm 24 đơn vị, trong đó có 9 khoa, 3 Bộ môn, 8 Phòng, 3 Trung tâm, 1 trạm Y tế. Tổng số công chức, viên chức, người lao động tính đến nay là 215 người; số có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ, gồm cả Phó Giáo sư, Giảng viên Chính, Giảng viên Cao cấp là 157 người. Hội đồng Khoa học – Đào tạo của Nhà trường có 21 thành viên, hầu hết có trình độ Tiến sĩ. Thường trực Hội đồng khoa học - Đào tạo có 1 người, gồm 4 Phó Giáo sư, 02 Giảng viên Cao cấp, còn lại là Tiến sĩ.
Từ năm 2007 – 2008, được phép của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Nhà trường bắt đầu tuyển sinh đào tạo đại học chính quy khóa đầu tiên với 85 sinh viên ngành Quản trị nhân lực. Năm học 2008 – 2009, Trường tuyển sinh đại học khóa II với 132 sinh viên cho hai ngành: Quản trị nhân lực và kế toán. Năm học 2009 – 2010, Nhà trường đạt một bước tiến quan trọng về tuyển sinh ĐH Khóa III với 618 sinh viên cho 3 ngành: Quản trị nhân lực, kế toán và Công tác xã hội. Năm 2010, Nhà trường mở thêm ngành Bảo hiểm. Từ đây, mỗi năm nhà trường tuyển bình quân hàng ngàn sinh viên đại học, cao đẳng cho 4 ngành: Quản trị nhân lực, Kế toán, Công tác xã hội, Bảo hiểm. Đến năm 2013, Trường mở thêm ngành Quản trị kinh doanh. Từ đó đến nay trường đã tuyển sinh hàng ngàn sinh viên đại học, cao đẳng cho 5 ngành: Quản trị nhân lực, kế toán, Công tác xã hội, Bảo hiểm, Quản trị kinh doanh với điểm trúng tuyển ngày càng cao, đạt 100% chỉ tiêu. Kỳ tuyển sinh 2016, Trường tuyển đạt 96%, vào Top cơ sở giáo dục đại học có tỷ lệ sinh viên nhập học cao nhất cả nước. Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo gần 7.000 sinh viên, gồm: Đại học hệ chính quy 5.196 sinh viên, Đại học vừa làm vừa học là 1.695 sinh viên.
Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ đến dự lệ kỷ niệm Nhà trường
Ngoài ra, thực hiện Chương trình công tác của ngành LĐ-TBXH, Nhà trường đã phối hợp với Sở Nội vụ, Sở LĐTB&XH của các tỉnh, thành phố từ Quảng Nam trở vào, khu vực Tây Nguyên, Vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và TPHCM mở hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 40.000 học viên là cán bộ ngành LĐTB&XH, ngành Y tế, Giáo dục, công chức xã phường….
Bên cạnh đó, Nhà trường đã giảng dạy, bồi dưỡng cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ giáo dục An ninh – Quốc phòng, giáo dục thể chất cho hàng chục ngàn sinh viên của Trường và sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng khác.
Qua khảo sát cựu sinh viên từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2016 cho thấy, có 93% sinh viên Nhà trường tốt nghiệp đã có việc làm, trong đó có trên 70% có việc làm phù hợp với chuyên môn, sở thích. Nhiều cựu sinh viên đã được các cơ quan, đơn vị đánh giá cao, trong đó có nhiều người từng hoặc đang giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý như: Giám đốc, phó giám đốc, phó phòng ban tại các Sở, ban ngành, doanh nghiệp…
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho tập thể Nhà trường
Song song đó, Nhà trường còn chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu cấp Bộ, cấp trường. Đã có hàng trăm bài báo khoa học, bài viết nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế. Nhà trường cũng đã hợp tác mật thiết và có hiệu quả với các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài như: ĐH Sư phạm Mat – xcơva, ĐH Tổng hợp Ulyanovsk (LB Nga), ĐH IMC Krems (Cộng hòa Áo), ĐH Grenoble, ĐH Valencences (CH Pháp), ĐH Mitvaida, ĐH Khoa học ứng dụng Freibug (CHLB Đức), ĐH San Jose State, Chương trình Fulbright (Hoa Kỳ), ĐH Reitaku (Nhật Bản), ĐH Yongnam, ĐH Kyung –sung (Hàn Quốc), ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Thái Lan, ĐH Phụ nữ Philippin, hợp tác nhiều dự án: Caritas (CHLB Đức), Tổ chức Quỹ Cô nhi Thế giới WWO (Mỹ), Tổ chức Liên minh Châu Âu…
Ngoài ra, trong những năm qua, nhiều đoàn cán bộ Nhà trường được các cơ quan Chính phủ và tổ chức nước ngoài mời tham gia và trình bày tham luận tại các diễn đàn và Hội nghị quốc tế quan trọng.
Tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc
Bên cạnh công tác giảng dạy và đào tạo, Nhà trường luôn quan tâm và đồng hành với các chương trình từ thiện nhằm tri ân đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, cũng như các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ đồng bào và nhân dân các tỉnh bị thiên tai, lũ lụt trong cả nước. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, lãnh đạo Nhà trường đã phối hợp với công đoàn trường vận động CBGV, CNV đóng góp từ lương và trích từ quỹ phúc lợi của trường, với sự hỗ trợ thủ tục của các Sở LĐTBXH địa phương, xây dựng 09 căn nhà tình nghĩa (mỗi căn trị giá bình quân 50 triệu đồng, kèm theo sổ tiết kiệm) tại các tỉnh: Bến Tre, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đắk Lắk, Bình Thuận và TPHCM…
Với những đóng góp, cống hiến to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 4 thập kỷ qua, Nhà trường đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III (năm 1996), Huân chương lao động hạng II (năm 2004), cùng với nhiều Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Cờ luân lưu của Bộ LĐTBXH; Đảng bộ Nhà trường được công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Công đoàn Nhà trường được công nhận Công đoàn cơ sở vững mạnh trong nhiều năm liền.
Đại diện lãnh đạo các địa phương tặng Bằng khen cùa Ủy ban Nhân dân tỉnh cho tập thể Nhà trường vì đã có nhiều thành tích đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho địa phương
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thay mặt lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà thầy và trò Trường Đại học LĐXH CSII đạt được trong suốt 40 năm qua. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng khẳng định: Chặng đường 40 năm qua của Nhà trường là chặng đường thầy và trò trường ĐH LĐXH CSII đồng hành cùng đất nước, là chặng đường thầy và trò CSII cùng xây dựng, cùng phát triển, cùng trưởng thành với đất nước và dân tộc.
TS. Hà Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH LĐXH tặng giấy khen cho các cán bộ giảng viên Trường ĐH LĐXH CSII
Tiền thân là Trường Trung học Lao động – tiền lương 2 với sứ mệnh là đào tạo, bồi dưỡng công tác của ngành, đào tạo sinh viên trình độ trung cấp để cung cấp đủ nhân lực cho quản lý lao động tiền lương, tiền công từ những ngày đầu đất nước thống nhất, cơ sở, vật chất còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ, giáo viên ít ỏi, kinh nghiệm, cách thức quản lý còn hạn chế, song thầy và trò nhà trường đã nỗ lực, quyết tâm và không ngừng đổi mới về nội dung, chương trình đào tạo, góp phần chuyển đổi mô hình quản lý nhân lực từ cơ chế tập trung sang tiếp cận quản lý theo cơ chế thị trường. Quá trình chuyển đổi đó không thể nói là suôn sẻ, nhưng về cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn sản xuất, của phát triển kinh tế xã hội, đóng góp vào những thành tựu của công cuộc đổi mới.
Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ cùng lãnh đạo các đơn vị trong Bộ chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo và cán bộ giảng viên Nhà trường
40 năm nhìn lại, cơ sở vật chất đã khang trang hơn, đội ngũ giáo viên đã trưởng thành vượt bậc về năng lực, trình độ; từ bậc trung cấp nay đã đào tạo bậc đại học, từ các chuyên ngành chỉ giới hạn ở lao động, tiền lương, nghiên cứu khoa học nay Nhà trường đã đào tạo nhiều ngành nghề quan trọng đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Các cựu sinh viên của Nhà trường cũng đã khẳng định được ngành học của mình đúng mục tiêu công tác và đã được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đánh giá tốt về khả năng làm việc, hội nhập hơn vào đời sống lao động.
Thứ trưởng Doãn Mẫu Diệp đã cám ơn các thế hệ thầy và trò CSII ĐH Lao động - Xã hội về những đóng góp bền bỉ, không mệt mỏi suốt chặng đường 40 năm qua.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thọ Chân và Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp và lãnh đạo Trường ĐH LĐXH CSII trồng cây lưu niệm tại trường
Nhân dịp này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã trao tặng Bằng khen của của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho tập thể Trường Đại học Lao động và Xã hội CSII và 10 cá nhân của trường đã có nhiều thành tích xuất sắc. Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi cũng đã trao tặng Bằng khen cho tập thể Nhà trường vì đã có nhiều thành tích trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho địa phương trong thời gian qua.