Công tác xã hội là gì ?
Công tác xã hội là một nghề, một lĩnh vực chuyên nghiệp nhằm cung cấp các hỗ trợ cần thiết giúp cá nhân, gia đình, nhóm người và cộng đồng khó khăn giải quyết vấn đề của họ. Hơn nữa, mục tiêu mà công tác xã hội hướng đến là nâng cao năng lực tự chủ, khả năng tự lực của con người từ đó đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện nay, một số người vẫn còn nhầm lẫn giữa Công tác xã hội và Từ thiện. Tuy nhiên, hai lĩnh vực này có sự khác biệt với nhiều tiêu chí, khía cạnh. Chúng ta có thể phân biệt cơ bản rằng, Công tác xã hội hướng đến sự trợ giúp chuyên nghiệp và đòi hỏi người thực hiện trợ giúp (còn gọi là Nhân viên công tác xã hội) phải có năng lực chuyên môn cùng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề. Trong khi đó, hoạt động Từ thiện chỉ cần có các điều kiện như lòng nhân đạo, tiền bạc, thời gian... Ngoài ra, Từ thiện chỉ hướng đến các đối tượng yếu thế (người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo…). Công tác xã hội có thể trợ giúp rất nhiều đối tượng khác nhau, chỉ cần họ có khó khăn mà không tự giải quyết được và cần có sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Như vậy, đối tượng mà công tác xã hội hỗ trợ không chỉ là những người yếu thế mà còn là những cá nhân có công việc ổn định, kinh tế tốt nhưng đang gặp những khó khăn về tâm lý, mối quan hệ gia đình, xã hội… Ngoài ra, khi làm Công tác xã hội các bạn sẽ được chi trả lương cùng các chế độ khác theo vị trí, công việc cụ thể mà pháp luật đã quy định.
Học Công tác xã hội ra có thể làm gì?
Sau khi tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, chúng ta có thể làm việc tại nhiều môi trường, vị trí khác nhau. Một số ví dụ cụ thể như:
Điều phối viên chương trình, dự án phi chính phủ (NGOs);
Nhân viên công tác xã hội tại bệnh viện, trung tâm CTXH, trung tâm BTXH…;
Cán bộ ngành Lao động – Thương binh & Xã hội; Cán bộ các Hội – Đoàn thể (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên…);
Giáo viên dạy kỹ năng sống tại các Trường, trung tâm;
Giáo viên can thiệp cá nhân đối với trẻ đặc biệt;
Giảng dạy, nghiên cứu tại các Trường đại học, Cao đẳng, Viện nghiên cứu…
Ngành Công tác xã hội học gì? Học như thế nào?
Ngành Công tác xã hội trang bị và phát triển kiến thức, kỹ năng chuyên môn cùng thái độ chuyên nghiệp để giúp người học có thể tham gia và làm việc trong các môi trường, vị trí yêu cầu của nghề Công tác xã hội.
Có thể học Công tác xã hội ở đâu?
Chương trình đào tạo hệ Đại học ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Lao động – Xã hội (CSII) được xây dựng và triển khai từ năm 2009. Cho đến nay, đã có hàng nghìn sinh viên (hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học) trên khắp các vùng miền đã tham gia học tập, tốt nghiệp và có việc làm phù hợp.
Một số hình ảnh giảng viên và sinh viên ngành Công tác xã hội
Ngoài kiến thức đại cương, chương trình học được Nhà trường xây dựng hướng đến sự phát triển kiến thức, kỹ năng cơ sở ngành, chuyên ngành quan trọng để phục vụ cho quá trình làm việc sau này. Ví dụ như: Tâm lý học xã hội, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng sống, Công tác xã hội cá nhân và gia đình, Công tác xã hội nhóm, Phát triển cộng đồng, Tham vấn, Quản lý Stress cho nhân viên công tác xã hội… Đặc biệt, các học phần thực hành tại cơ sở, cộng đồng cũng như các chuyến đi học tập thực tế sẽ giúp người học nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc.
Một số hình ảnh trong chương trình thực hành môn học của sinh viên ngành Công tác xã hội
Một số hình ảnh trong chuyến đi học tập thực tế của sinh viên ngành Công tác xã hội
Trong quá trình học tập, sinh viên luôn được tôn trọng và tạo điều kiện phát huy tối đa điểm mạnh cá nhân và tập thể nhóm. Đồng thời, chương trình đào tạo luôn hướng đến việc rèn luyện khả năng thực hành cụ thể của sinh viên với môi trường học tập cởi mở, thân thiện.
Hình ảnh sinh viên làm việc nhóm, thuyết trình trong giờ học
Một số hình ảnh trong quá trình học tập của sinh viên ngành Công tác xã hội
Trong quá trình học tập, Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các chương trình Hội thảo, tọa đàm, tập huấn cùng các chuyên gia trong và ngoài nước… để tạo môi trường phát triển toàn diện cho sinh viên.
Một số hình ảnh trong các chương trình tọa đàm, talkshow của sinh viên ngành Công tác xã hội
Các chương trình Talkshow trao đổi chuyên môn cũng như các vấn đề xã hội luôn được tổ chức thường xuyên.
Một số hình ảnh trong các chương trình tọa đàm, giao lưu về vấn đề xã hội
Bên cạnh đó, Nhà trường luôn cố gắng tìm kiếm và phát triển mối quan hệ với các đối tác để hỗ trợ tối đa cho nhu cầu của sinh viên như trao đổi du học sinh tại Đức, thực tập và làm việc tại Nhật Bản…
Một số hình ảnh trong khóa học thực hành phương pháp Kaigo – Chương trình hợp tác giữa Nhà trường và Công ty Esuhai
Vì vậy, Trường Đại học Lao động – Xã hội (CSII) chính là một trong những cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng mà người học có thể lựa chọn theo học và phát triển cùng ngành Công tác xã hội.
GIẢNG VIÊN VÀ SINH VIÊN KHOA CÔNG TÁC XÃ HỘI, TRƯỜNG ĐẠI HỌC LAO ĐỘNG – XÃ HỘI (CSII) LUÔN SẴN SÀNG ĐỒNG HÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CÙNG BẠN!