- Giới thiệu: Được thành lập vào năm 1976, tiền thân khoa Quản lý Nguồn nhân lực ngày nay là “Ban giáo viên nghiệp vụ” của trường Trung học kinh tế lao động bảo trợ xã hội, sau đó đổi tên thành “ Khoa Lao động - Tiền lương”. Năm 2006, khi trường được nâng cấp thành trường đại học Lao động Xã hội (cơ sở II) thì khoa cũng được đổi tên thành “Khoa Quản lý lao động”, tới năm 2015 khoa đuợc đổi tên thành “Khoa Quản lý Nguồn nhân lực” cho đến nay.
Khoa Quản lý Nguồn nhân lực là một trong những khoa chủ lực của trường Đại học Lao Động Xã Hội, đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của trường. Từ khi thành lập đến nay khoa Quản lý Nguồn nhân lực đã khẳng định được vị thế của mình trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khoa đã và đang đào tạo được 9 khóa sinh viên Đại học, 13 khóa sinh viên Cao đẳng, 36 khóa học sinh Trung cấp. Khoa đã tham gia tích cực trong lĩnh vực đào tạo cán sự lao động tiền lương, cán sự lao động xã hội và cán sự, cử nhân quản trị nhân lực cho các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sinh viên tốt nghiệp tại khoa được xã hội đánh giá cao, đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước.
Ngoài hoạt động đào tạo, khoa còn tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học, viết giáo trình, bài giảng, bài tập dùng chung cho các chuyên ngành đào tạo của trường
- Chức năng nhiệm vụ: Khoa Quản lý Nguồn nhân lực có chức năng tham mưu cho Giám đốc về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học thuộc các chuyên ngành của đơn vị. Thực hiện đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng kiến thức các chuyên ngành; quản lý công tác chuyên môn và quản lý sinh viên thuộc trách nhiệm và thẩm quyền.
- Nhiệm vụ: Lập kế hoạch xây dựng và phát triển toàn diện khoa theo mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về sự hiểu biết, kỹ năng, kỹ xảo của sinh viên.
+ Xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện kế hoạch và nhiệm vụ giảng dạy được giao. Phân định các giới hạn phạm vi chuyên môn, nội dung giảng dạy của các bộ môn thuộc khoa. Cụ thể hoá mục tiêu, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo của từng chuyên ngành trong khoa nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo toàn diện.
+ Tổ chức triển khai thực hiện các qui chế, qui định về đào tạo.
+ Tổ chức sinh hoạt chuyên môn và các hội thảo khoa học chuyên ngành. Triển khai nghiên cứu đề tài khoa học các cấp được giao và các đề tài với các cơ quan, đơn vị bên ngoài. Hướng dẫn nghiên cứu khoa học.
+ Tổ chức thực hiện các Dự án Hợp tác Quốc tế khi được Giám đốc phân công. Phối hợp với các đơn vị có liên quan mở rộng quan hệ đối ngoại trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc chuyên ngành.
- Đội ngũ cán bộ giảng viên: Trong chặng đường 40 năm phát triển và trưởng thành, đội ngũ cán bộ giảng viên của khoa cũng được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Tổng số nhân sự của Khoa hiện nay là 20 người, trong đó có 02 Tiến sĩ, 16 Thạc sĩ và 02 cao học.
Khoa Quản lý Nguồn nhân lực có 03 bộ môn trực thuộc: Bộ môn Tiền lương - Quản Trị Nhân lực; Bộ môn Tổ chức - Định mức; Bộ môn Nguồn Nhân lực – Bảo hộ lao động.
- Thành tích đạt được: Trong 40 năm hình thành và phát triển Khoa đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, được trao tặng các danh hiệu cao quý của Bộ Lao Động Thương binh & Xã hội và của Nhà trường như: Bằng khen của Bộ năm 1996, 2003, 2004, 2005; Giấy khen của trường Đại học LĐXH và của cơ sở II.
- Định hướng phát triển: Trong tương lai Khoa Quản lý Nguồn nhân lực sẽ trở thành một trong những đơn vị uy tín trong việc đào tạo cán bộ và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội.